Truy cập nội dung luôn

UBND Xã Ba Tiêu

Huyện Ba Tơ

Tỉnh Quảng Ngãi

Đoàn công tác của huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi học tập kinh nghiệm tại các tỉnh phía Bắc

30/06/2023 02:40    120

Từ ngày 22/06/2023 đến ngày 26/6/2023, Đoàn công tác của huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi học tập kinh nghiệm tại các tỉnh phía Bắc (tại các tỉnh Lào Cai, Hòa Bình và thành phố Hà Nội) học tập nội dung Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tham gia Đoàn công tác của huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi có đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; đồng chí Phạm Giang Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy – Phó Chủ tịch UBND huyện (Trưởng đoàn); đồng chí Nguyễn Thị Vân, Huyện ủy viên – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện; đồng chí Phạm Thị Thu Đào, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện; đồng chí Phan Thị Ly Thao, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện; đồng chí Lê Cao Đỉnh, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện; đồng chí Đinh Thị Lệ Hằng, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện; đồng chí Trần Ngọc Hòa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ - Nông nghiệp huyện. Tham gia đoàn công tác còn có các đồng chí lãnh đạo UBND các xã khu Tây và 09 hộ dân tiêu biểu về phát triển kinh tế của địa phương.

 

Ảnh: Đoàn công tác huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi

Về xã Ba Tiêu có đồng chí Phạm Văn Thu, Phó Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND xã; đồng chí Phạm Văn Sơn, công chức Địa chính – Nông nghiệp – Xây dựng và Môi trường và ông Phạm Văn Noang cùng tham gia với đoàn công tác của huyện trong đợt học tập kinh nghiệm lần này.

Mô hình học tập là mô hình trồng cây Tre lấy măng và Bưởi da xanh.

Nhận thấy cây tre rất phù hợp với huyện Ba Tơ với diện tích rộng lớn (chiếm 1/5 diện tích toàn tỉnh Quảng Ngãi), phù hợp với phong tục tập quán của người đồng bào dân tộc thiểu số miền núi nên lãnh đạo huyện Ba Tơ rất quyết tâm kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm từ tre và định hướng cho nhân dân trên địa bàn huyện, trước hết tập trung ở các xã khu Tây, huyện Ba Tơ phát huy những lợi thế của địa phương để tập trung phát triển vùng cây tre nguyên liệu cung cấp ra thị trường.

 

 

Mô hình trồng Tre: Đoàn công tác học tập kinh nghiệm trồng Tre tại huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ

Về kết quả học tập, trao đổi với hộ ông Hán Trung Kiên, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ trồng tre Bát Độ.

- Chi phí đầu vào được tính theo 01 héc ta:

+ Cải tạo mặt và làm đất: chi phí thuê máy móc, nhân công: 15 triệu đồng;

+ Giống: 300-400 gốc/ha, chi phí 05 triệu đồng (sau 03 năm hộ gia đình tự chiết cành, nhân giống);

+ Phân bón: chi phí từ 10-15 triệu. Tuy nhiên, hộ gia đình tuyệt đối không sử dụng phân hóa học (kali, NPK, đạm, …) mà sử dụng từ phân chuồng như: phân bò, phân trâu, phân heo, phân gà, vịt để bón phân cho cây, hiệu quả cây sinh trưởng và phát triển tốt đồng thời giảm chi phí đầu tư.

Tổng cộng: chi phí trồng cây tre từ 20 – 25 triệu/ha.

- Tiêu thụ, đầu ra của sản phẩm từ tre:

+ Măng tre: Từ năm thứ 03 trở đi tiến hành thu bói từ 10-15 tấn/ha/năm (giá thị trường hiện nay 6.000 đồng/kg). Từ năm thứ 04 trở đi đến dưới năm thứ 20: thu hoạch từ 30-35 tấn/ha/năm.

+ Lá tre: Từ năm thứ 03 trở đi bắt đầu thu hoạch lá tre tươi.

+ Gỗ tre: Từ năm thứ 05 trở đi bắt đầu thu hoạch gỗ tre sinh khối với 600 đồng/kg (sản phẩm phụ thu từ cây tre cắt tỉa, chọn lọc).

Đơn vị tiêu thụ sản phẩm: Nhà máy chế biến của Công ty TNHH chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C (địa chỉ: Cụm công nghiệp Hợp Hải – Kinh Kệ, xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ).

 

 

Vườn cây Tre của ông ông Hán Trung Kiên, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ trồng tre Bát Độ.

Bưởi da xanh là một loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, thích ứng với điều kiện thời tiết ở miền núi; hiện nay giá trị mang lại từ cây bưởi da xanh có giá trị kinh tế cao, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ cây bưởi da xanh phù hợp với thị trường trong và ngoài nước.

 

 

Đoàn công tác xã Ba Tiêu tham quan mô hình Trồng cây Bưởi da xanh tại huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình

Qua khảo sát về khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng tại các tỉnh phía Bắc, cây Bưởi da xanh được trồng đã mang lại hiệu quả và có nhiều điểm tương đồng với huyện Ba Tơ.

Trao đổi với hộ ông Lý Trung Chính, xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình chuyên trồng bưởi da xanh:

- Chi phí đầu vào được tính theo 01 héc ta:

+ Cải tạo mặt và làm đất: chi phí thuê máy móc, nhân công: 20 triệu đồng;

+ Giống: 314-400 gốc/ha, chi phí 230.000 đồng/gốc, chiều cao cây tầm 1,5 đến 2m, (sau 03 năm hộ gia đình tự chiết cành, nhân giống);

+ Phân bón: chi phí từ 40-50 triệu đồng. Tuy nhiên, hộ gia đình có thể sử dụng phân hóa học (NPK để bón thúc khi cây cho quả), khuyến khích người dân sử dụng từ phân chuồng như: phân bò, phân trâu, phân heo, phân gà, vịt để bón phân cho cây, hiệu quả cây sinh trưởng và phát triển tốt đồng thời giảm chi phí đầu tư.

Tổng cộng: chi phí trồng cây bưởi da xanh từ 160 – 170 triệu/ha.

- Tiêu thụ, đầu ra của sản phẩm từ cây bưởi da xanh:

+ Từ năm thứ 03 trở đi tiến hành thu hoạch từ 20-25 tấn/ha/năm (giá thị trường hiện nay 35.000 đồng/kg), như vậy, tổng thu nhập cho 01 ha bưởi da xanh là khoảng 700 – 875 triệu đồng/ha

Đơn vị tiêu thụ sản phẩm: Công ty TNHH giống cây trồng Thuận An, (địa chỉ: xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).

 

 

Ông Lý Trung Chính, xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình giới thiệu với Đoàn công tác về việc trồng và chăm sóc bưởi da xanh

Với những điều kiện như trên, hy vọng sự kết nối lần này của Đoàn công tác huyện Ba Tơ sẽ tạo điều kiện để người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có những hướng đi mới, giảm nghèo, làm giàu, góp phần thay đổi phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

VĂN THU